Tổng công suất thiết kế hiện nay của ngành Xi măng là 107 triệu tấn/năm. Nhờ ứng dụng công nghệ, điều chỉnh tỷ lệ phụ gia, có thể sản xuất thêm hơn 20 triệu tấn nữa, trong khi tiêu thụ xi măng nội địa 3 - 4 năm nay chỉ khoảng trên dưới 60 triệu tấn/năm.
Công suất lớn, nhưng tiêu thụ nội địa hạn chế, xuất khẩu hơn 45 triệu tấn/năm, nhưng cả 2 kênh này đang bị suy giảm do tiến độ các dự án đầu tư xây dựng chậm được triển khai, riêng xuất khẩu đã giảm trên 23% so với cùng kỳ do các thị trường lớn đều giảm nhập khẩu xi măng, clinker từ Việt Nam.
Rủi ro chính đối với nhu cầu xi măng Trung Quốc trong năm 2022 là sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản dân dụng, vốn chiếm 30 - 35% tổng tiêu thụ xi măng của quốc gia này, kéo theo lượng clinker, xi măng xuất khẩu của Việt Nam suy giảm theo, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNdirect nhận định.
Riêng tại Thanh Hóa, có hơn 10 dây chuyền xi măng đang hoạt động, công suất trên 23 triệu tấn. Trong đó, nhà máy Xi măng Vicem Bỉm Sơn có công suất trên 5,5 triệu tấn, nhà máy xi măng Long Sơn có công suất 7,5 triệu tấn, nhà máy Xi măng Công Thanh có công suất 6 triệu tấn, nhà máy Xi măng Nghi Sơn có công suất 4,5 triệu tấn…
Năm 2021, xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker đạt kỷ lục kể từ khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu, với gần 46 triệu tấn, ước đạt 1,9 tỷ USD, là mức ngoại tệ lớn nhất từ trước tới nay thu về từ xuất khẩu xi măng. Nhưng với tình hình của năm 2022, xuất khẩu sẽ hụt hơi trên chục triệu tấn. Tình trạng dư cung và cạnh tranh gay gắt trong ngành Xi măng dự báo vẫn tiếp diễn trong giai đoạn 2022 - 2025.
Mặc dù dư cung lớn, bán hàng nội địa lẫn xuất khẩu đều gặp khó, nhưng tương lai nhiều dự án xi măng có công suất lớn đang đầu tư và tiếp tục xin đầu tư. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2022 sẽ có thêm 3 dây chuyền xi măng (tổng công suất gần 10 triệu tấn/năm) đi vào hoạt động, gồm dự án Xi măng Xuân Thành 3 (4,5 triệu tấn), dự án xi măng Long Thành (2,3 triệu tấn), dự án Xi măng Long Sơn 4 (2,5 triệu tấn). Riêng dự án xi măng Đại Dương 1, công suất trên 2 triệu tấn đáng lẽ vận hành cuối năm nay, nhưng đã lùi hạn hoàn thành sang năm 2023. Như vậy, cuối năm nay, công suất ngành Xi măng sẽ đạt gần 117 triệu tấn.
Đáng chú ý, 3 dây chuyền mới được đặt tại Hà Nam và Thanh Hóa - hai tỉnh có công suất thiết kế lớn nhất Việt Nam, qua đó càng làm tăng mức độ cạnh tranh tại khu vực miền Bắc.
Ngành Xi măng đang tiếp tục dư cung ở quy mô lớn hơn, khi từ năm 2019 đến nay không còn quy hoạch ngành nữa, việc xét duyệt chủ yếu do địa phương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ. Cần phải xem xét lại việc thực hiện quy hoạch, cấp phép cho các dự án xi măng.
Nguồn: ximang.vn